Kích hoạt cuộc đua giành quyền nâng đời cao tốc TP.HCM – Mỹ Thuận

Đoạn đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận quy mô 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp liên tục, gây nhiều khó khăn cho các phương tiện giao thông

“Biển chỉ dẫn” mới

Đã có thêm những chỉ dẫn quan trọng cho Ban Quản lý dự án 7 – đơn vị được Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) giao tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng công trình mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP.HCM – Trung Lương và đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận.

Trong công văn được gửi đi giữa tuần trước, Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án 7 xây dựng kế hoạch, tiến độ triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi bảo đảm trình Bộ GTVT hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi trước ngày 31/1/2024; báo cáo Bộ GTVT kế hoạch, tiến độ triển khai trước ngày 5/12/2023.

Ban Quản lý dự án 7 sẽ phải tổ chức làm việc với các nhà đầu tư quan tâm, thông báo cụ thể về cách thức phối hợp, thời hạn nộp hồ sơ đề xuất dự án, thành phần hồ sơ và các nội dung khác có liên quan theo quy định tại khoản 1, Điều 27, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP); tổ chức tiếp nhận hồ sơ đề xuất dự án và triển khai các bước tiếp theo theo quy định.

Đơn vị này cũng được yêu cầu thông báo cho nhà đầu tư quan tâm về kết quả đã nghiên cứu thực hiện, định hướng nghiên cứu đầu tư mở rộng các đoạn TP.HCM – Trung Lương và Trung Lương – Mỹ Thuận.

Ban Quản lý dự án 7 phải chủ động xây dựng phương pháp đánh giá và tổ chức đánh giá để lựa chọn hồ sơ đề xuất dự án có tính khả thi, hiệu quả cao nhất trong trường hợp phát sinh tình huống theo khoản 1, Điều 83, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức PPP.

Theo ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT), cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận là tuyến đường quan trọng, cửa ngõ kết nối các tỉnh miền Tây Nam bộ với TP.HCM.“Để đáp ứng nhu cầu vận tải, tăng khả năng thông hành, việc nghiên cứu sớm đầu tư mở rộng đoạn tuyến theo quy mô quy hoạch là rất cấp thiết, được lãnh đạo Chính phủ quan tâm chỉ đạo, cử tri đặc biệt quan tâm.

Trước đó, cuối tháng 11/2023, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký Quyết định số 1517/QĐ – BGTVT giao Ban Quản lý dự án 7 tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng công trình mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP.HCM – Trung Lương và đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo dõi, quản lý hợp đồng đầu tư Dự án BOT đường bộ cao tốc đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận (giai đoạn I) phối hợp Ban Quản lý dự án 7 trong quá trình thực hiện.

Ban Quản lý dự án 7 có nhiệm vụ làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang, Cục Đường bộ Việt Nam, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đơn vị quản lý Dự án Đầu tư xây dựng cao tốc TP.HCM – Trung Lương giai đoạn I); Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận (doanh nghiệp Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn I) và các cơ quan, đơn vị liên quan để tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, các kết quả nghiên cứu trước đây liên quan đến các dự án đường cao tốc đoạn TP.HCM – Trung Lương, đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận; tận dụng tối đa các dữ liệu đã có trong quá trình thực hiện; rà soát hồ sơ, tài liệu các dự án đầu tư giai đoạn I để đề xuất giải pháp xử lý tồn tại, vướng mắc.

“Đây là những cơ sở pháp lý và tham số quan trọng để Bộ GTVT tổ chức lựa chọn nhà đầu tư triển khai Dự án Đầu tư xây dựng công trình mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP.HCM – Trung Lương và đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận theo quy định pháp luật”, ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Tuy nhiên, để chốt được các nội dung của Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trong đó có việc đầu tư Dự án theo phương thức PPP, loại hợp đồng có thu phí trực tiếp từ người sử dụng (gồm BOT, BTO), cơ quan quản lý phải báo cáo Quốc hội xem xét, chấp thuận. Lý do là, điểm b, khoản 9, Điều 3 và khoản 4, Điều 45, Luật Đầu tư theo phương thức PPP quy định, đối với dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có, không áp dụng loại hợp đồng thông qua cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng.

Sức ép lớn

Theo Bộ GTVT, hiện có 3 nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư gửi đề xuất xin tham gia đầu tư mở rộng toàn tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận, hoặc đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM – Trung Lương.

Tập đoàn Đèo Cả là đơn vị sốt sắng nhất khi chỉ trong 1 năm trở lại đây đã 2 lần gửi đề xuất tham gia đầu tư toàn tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận. Tại văn bản gửi Bộ GTVT tháng 8/2023, nhà đầu tư này cam kết sẽ hoàn thành hồ sơ lập đề xuất dự án, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trong vòng 3 tháng.

“Chúng tôi sẽ tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP, đồng thời áp dụng công nghệ BIM ngay từ giai đoạn lập đề xuất dự án (theo quy định tại Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng)”, ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết.

Trước đó, liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco6) – Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons – Công ty Xây dựng thương mại Thuận Việt có văn bản gửi Bộ GTVT về tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Hiện nhà đầu tư nước ngoài duy nhất gửi đề xuất tới Bộ GTVT là Tổng công ty Xây dựng cảng Trung Quốc (CHEC). Tuy nhiên, CHEC chỉ đề xuất đầu tư mở rộng đoạn tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương lên 8 làn xe theo phương thức hợp đồng BOT.

“Cả 3 nhà đầu tư nói trên vẫn duy trì sự quan tâm đối với việc nâng cấp mở rộng cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận”, đại diện Ban Quản lý dự án 7 thông tin.

Hiện sức ép sớm nâng cấp, mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận rất lớn, bởi đây là “nút cổ chai” của hành lang vận tải đường bộ từ TP.HCM tới Cần Thơ. Cụ thể, đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận là tuyến đường kết nối trung tâm kinh tế – xã hội của khu vực Tây Nam bộ với TP.HCM. Dù Quốc lộ 1 đoạn song song với đường cao tốc đã được đầu tư mở rộng với quy mô 4 làn xe, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đi lại thông thương trong khu vực, thường xuyên xảy ra ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Do lưu lượng xe lớn, mặt đường chỉ 4 làn xe cao tốc và ở đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận bố trí làn dừng xe khẩn cấp cách quãng, nên tốc độ khai thác thấp, hiện tượng ùn tắc giao thông diễn ra hàng ngày đối với đoạn tiếp giáp TP.HCM, đặc biệt vào cuối tuần và dịp lễ, tết.

Theo thống kê của đơn vị quản lý khai thác, từ thời điểm tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương có chiều dài 50 km, không thu phí (từ ngày 1/1/2019), lưu lượng xe trên tuyến tăng lên trên 35% (trước thời điểm dừng thu phí, lưu lượng trung bình năm 2018 là khoảng 38.500 xe ô tô/ngày đêm); từ năm 2019 đến nay là khoảng 52.350 xe ô tô/ngày đêm, vào dịp lễ, tết, cao điểm có thể tăng đột biến đến 50%.

Đối với đoạn tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, theo báo cáo của nhà đầu tư, lưu lượng xe trung bình năm 2022 (từ ngày 9/8/2022) là khoảng 18.200 xe ô tô/ngày đêm và 6 tháng đầu năm 2023 là khoảng 21.960 xe ô tô/ngày đêm, vào những dịp lễ, tết, cao điểm lên đến gần 40.000 xe ô tô/ngày đêm.

Trước thực trạng trên, tháng 8/2022, Bộ trưởng Bộ GTVT đã chủ trì cuộc họp với các địa phương liên quan (có đại diện lãnh đạo UBND TP.HCM và UBND các tỉnh Long An, Tiền Giang) để trao đổi, thảo luận tìm giải pháp, phương án triển khai đầu tư mở rộng, hoàn thiện tuyến đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận.

Hiện Bộ GTVT và các địa phương đã thống nhất phương án nâng cấp tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương dài 40 km lên quy mô mặt cắt ngang 8 làn xe cao tốc, bố trí đầy đủ làn dừng xe khẩn cấp.

Đối với đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận, do giai đoạn I với nguồn lực hạn chế, chỉ đầu tư với quy mô 4 làn xe cao tốc, làn dừng xe khẩn cấp bố trí cách quãng, nên để phù hợp với lưu lượng giao thông, đoạn tuyến này sẽ được nâng cấp lên quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh.

Về phương án đầu tư, cuối tháng 8/2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ GTVT chủ trì nghiên cứu và đề xuất đầu tư mở rộng đoạn tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương quy mô 8 làn xe, đoạn tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận quy mô 6 làn xe theo phương thức đầu tư PPP toàn tuyến.

“Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và địa phương có tuyến đường đi qua thống nhất loại hợp đồng phù hợp, trường hợp cần thiết báo cáo Quốc hội về việc áp dụng loại hợp đồng PPP và việc giao cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo việc đầu tư mở rộng được triển khai thuận lợi nhất có thể”, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo.

Tình hình đầu tư cao tốc TP.HCM – Cần Thơ

Dự án Đầu tư đường cao tốc TP.HCM – Cần Thơ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tại Văn bản số 399/CP-CN ngày 14/5/2001. Đến nay, đã đưa vào khai thác khoảng 91 km với quy mô 4 làn xe cao tốc và đang triển khai đầu tư khoảng 29,5 km còn lại (đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ), phấn đấu hoàn thành trong năm 2023.

Trong đó, đoạn TP.HCM – Trung Lương dài 39,8 km, giai đoạn I đầu tư tuyến cao tốc với bề rộng nền đường 26 m, mặt cắt ngang 4 làn xe cao tốc (có bố trí làn dừng xe khẩn cấp 2 x 3 m); thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch 8 làn xe cao tốc. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Bộ GTVT làm chủ đầu tư và đã triển khai hoàn thành, đưa công trình vào khai thác từ tháng 2/2010.

Đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận dài 51,1 km, giai đoạn I đầu tư tuyến cao tốc với bề rộng nền đường 17 m, mặt cắt ngang 4 làn xe cao tốc (làn dừng xe khẩn cấp bố trí cách quãng); thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch 6 làn xe cao tốc. Dự án được triển khai đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT, có sự tham gia của vốn ngân sách nhà nước, với tổng vốn đầu tư 12.668 tỷ đồng; UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án.

Doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đã triển khai hoàn thành, đưa công trình vào khai thác từ tháng 4/2022 và chính thức tổ chức thu phí hoàn vốn đầu tư dự án kể từ ngày 9/8/2022.

 

Viết một bình luận