An Giang: Tăng trưởng tín dụng phát triển tích cực

Nhờ làm tốt công tác thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm 2024, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh An Giang tập trung cho vay chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các nhóm lĩnh vực ưu tiên nên tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm tăng 1,19%.

Nhờ làm tốt công tác thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm 2024, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh An Giang tập trung cho vay chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các nhóm lĩnh vực ưu tiên nên tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm tăng 1,19%.

dam-bao-du-von-cho-nen-kinh-te..jpg
An Giang: 2 tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng 1,19%

Kinh tế trên địa bản tỉnh An Giang khởi sắc

Tình hình kinh tế – xã hội tỉnh những tháng đầu năm 2024 diễn biến thuận lợi, kinh tế nông nghiệp, sản xuất lúa và hoa màu vụ Đông Xuân phát triển tốt. Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục ổn định và tăng trưởng khá so với cùng kỳ, một số ngành như chế biến thực phẩm, in ấn đẩy mạnh nhu cầu sản xuất phục vụ Tết Nguyên đán 2024.

Đáng chú ý, khai xuân An Giang vui mừng và tự hào khi huyện Chợ Mới đã có sản phẩm xoài tượng da xanh xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Úc ngay đầu năm 2024. Niềm vui đó lại được nhân lên khi huyện Chợ Mới tiếp tục có lô xoài hạt lép đầu tiên với 13 tấn, được cấp mã số vùng trồng đã xuất khẩu sang Hàn Quốc, trên cơ sở hợp đồng đã ký kết của Hợp tác xã (HTX) GAP Cù Lao Giêng (huyện Chợ Mới) và Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (huyện Châu Thành, tỉnh Long An), mở ra cơ hội mới cho ngành hàng trái cây của An Giang.

Được biết, Chợ Mới là huyện có diện tích trồng xoài lớn nhất tỉnh, với 6.400 ha, chiếm hơn 50% diện tích xoài cả tỉnh, tập trung chủ yếu ở 3 xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân (cù lao Giêng). Nhờ đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong sản xuất, đến nay, diện tích xoài sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của huyện Chợ Mới đạt 704ha, với 41 mã số vùng trồng trên diện tích gần 6.200ha, đã xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc.

Đặc biệt, trong những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tỉnh đã đón trên 610 nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Sự tăng trưởng về số lượng khách trong những ngày đầu năm là tín hiệu khởi đầu đầy phấn khởi cho ngành du lịch tỉnh trong năm 2024.

Để tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, năm 2024 tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp, công nghiệp – xây dựng, thương mai – dịch vụ và du lịch theo đúng định hướng và mục tiêu do nghị quyết, chương trình hành động của Tỉnh ủy và kế hoạch của UBND tỉnh đề ra. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và của từng địa phương trong tỉnh để tăng tốc phát triển.

Tăng trưởng tín dụng ngay đầu năm

Bám sát sự chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về thực hiện nghiêm các nội dung trong dịp Tết Dương lịch 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; tập trung đáp ứng tốt nhu cầu tiền mặt, thanh toán, tín dụng của người dân, doanh nghiệp, đảm bảo mọi hoạt động ngân hàng diễn ra an toàn, thông suốt, phục vụ nhân dân vui xuân, đón Tết; khai xuân hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024, các ngân hàng tập trung triển khai thực hiện ngay các kế hoạch, nhiệm vụ được giao, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng, dịch vụ ngân hàng ngay từ những tháng đầu năm.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh An Giang cho biết, đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng trên địa bàn triển khai thực hiện kịp thời các chương trình, chính sách, quy định về hoạt động ngân hàng của Chính phủ, NHNN và các định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế – xã hội của tỉnh trong năm 2024.

Đến cuối tháng 2/2024, huy động vốn tăng 1,15% so cuối năm 2023, đạt 70.155 tỷ đồng, trong đó: số dư huy động vốn trên 12 tháng đạt 17.869 tỷ đồng, chiếm 25,47%/tổng vốn huy động. Dư nợ tín dụng ước tăng 1,19% so với cuối năm 2023, đạt 113.866 tỷ đồng.

Cơ cấu tín dụng giữa nội tệ và ngoại tệ, giữa ngắn hạn với trung và dài hạn được đảm bảo, phù hợp với cơ cấu nguồn vốn và sử dụng vốn của các ngân hàng trên địa bàn. Tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh là động lực tăng trưởng kinh tế. Kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương và chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Đáng chú ý, hệ thống ngân hàng tại An Giang tập trung cho vay chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các nhóm lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng cao nhất khi tăng 9,66% so với cuối năm 2023, với dư nợ đạt 70.524 tỷ đồng và chiếm 62,68% tổng dư nợ toàn địa bàn. Trong đó: dư nợ cho vay phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo tăng 6,58% so với cuối năm 2023, đạt 16.625 tỷ đồng; dư nợ cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu tăng 14,46% so với cuối năm 2023, đạt 14.931 tỷ đồng.

Đặc biệt, các ngân hàng trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 31 doanh nghiệp và 157 cá nhân, với số lũy kế dư nợ gốc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 1.550 tỷ đồng, dư nợ lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 44 tỷ đồng. Đồng thời, đã thực hiện giải ngân hỗ trợ lãi suất (HTLS) cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với tổng doanh số cho vay từ đầu chương trình là 1.565 tỷ đồng, dư nợ tín dụng là 472 tỷ đồng cho 9 khách hàng, số tiền HTLS là 9,5 tỷ đồng.

Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, chính sách đồng bộ

Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh An Giang cho biết, tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Ngân hàng Trung ương và chính quyền địa phương để chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu, giúp Thống đốc quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Nắm bắt kịp thời các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách và những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện triển khai, tập trung tháo gỡ, xử lý; những vấn đề thuộc thẩm quyền báo cáo Thống đốc NHNN, đề xuất tham mưu chỉnh sửa cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn. Chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, giám sát và kiểm tra các TCTD trên địa bàn trong việc thực hiện và tuân thủ các cơ chế, chính sách và quy định pháp luật về tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng;

Đôn đốc và giám sát các ngân hàng trên địa bàn thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng của Chính phủ, NHNN. Theo dõi việc triển khai thực hiện các phương án cơ cấu và xử lý nợ xấu của các Quỹ tín dụng nhân dân giai đoạn 2022-2025; giám sát việc triển khai thực hiện thu hồi nợ xấu của các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn;

Tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và chỉ đạo các ngân hàng triển khai thực hiện tốt các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại địa phương; thực hiện hiệu quả Kế hoạch về thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển chính quyền số và bảo đảm an ninh thông tin trên địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo, thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, thực hiện tốt công tác an toàn kho quỹ; tiếp tục kiểm tra công tác an toàn kho quỹ tại các ngân hàng theo kế hoạch đã đề ra; thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy đảm bảo an toàn tài sản cơ quan; đảm bảo an toàn hoạt động máy ATM, POS.

Viết một bình luận