An Giang có gì chơi? Muốn hiểu rõ hơn về vẻ đẹp của miền Tây sông nước, mời bạn ghé thăm các địa điểm du lịch An Giang nổi tiếng nhé!
An Giang là một trong ba tỉnh nằm trong vùng tứ giác Long Xuyên, thuộc phía Tây Nam đồng bằng sông Cửu Long, và có địa bàn ở cả hai bờ sông Hậu. Trong khi phía Bắc của An Giang là biên giới Việt Nam – Campuchia, thì ba phía còn lại của vùng đất này giáp với Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ. Vị trí địa lý đặc biệt của An Giang đã đem lại sự hòa trộn đặc sắc về văn hóa, tôn giáo, kiến trúc, và ẩm thực của người Kinh, Khmer, Chăm, Hoa.
Bên cạnh đó, An Giang còn níu chân du khách bởi những hàng thốt nốt cao vút trời xanh bên cạnh đồng lua bao la tươi tốt, cùng nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, và rất nhiều điểm check-in ấn tượng. Hãy theo #teamKlook tìm về vùng Bảy Núi – An Giang để nghe những câu chuyện tâm linh huyền bí bên món lẩu mắm ngon nức tiếng.
Các Địa Điểm Du Lịch An Giang Nổi Tiếng Xứ Miệt Vườn
Bất kỳ thời điểm nào trong năm cũng là dịp tốt để du lịch An Giang! Vùng đất hiền hoà ôm trọn nét đẹp chân chất của Đồng Bằng Sông Cửu Long, với rừng ngập mặn, đường làng quanh co ngập bóng dừa nước hay bạt ngàn ruộng đồng cò bay thẳng cánh. Trên bản đồ du lịch Việt nam, An Giang hiện lên với vẻ đẹp sông nước thanh bình và thơ mộng.
1. Rừng Tràm Trà Sư
-
Địa điểm: Xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang
Đây là khu rừng tràm đẹp nhất và nổi tiếng nhất Việt Nam, với sinh cảnh tự nhiên rộng lớn của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, vào mùa nước nổi, hãy đến rừng tràm Trà Sư để tận hưởng vẻ đẹp độc đáo thông qua chuyến đi thuyền theo con nước len lỏi vào rừng xanh. Từ đài quan sát cao 30m trong khuôn viên khu du lịch, bạn có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh bức tranh rừng tràm mênh mông bằng kính viễn vọng.
2. Thốt Nốt Trái Tim
-
Địa điểm: Xã An Tức, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang
Thốt nốt trái tim là cụm cây thốt nốt có phần thân và tán lá tạo hình trái tim tự nhiên vô cùng độc đáo, nằm trên đoạn đường đi từ Hồ Tà Pạ đến Hồ Ô Thum. Giữa bức tranh thiên nhiên có trời mây, ruộng đồng, và hồ nước, cây thốt nốt trái tim trở thành điểm check-in vô cùng ấn tượng của #teamKlook khi du hí An Giang.
3. Hồ & Chùa Tà Pạ
-
Địa điểm: Xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang
Tà Pạ, hay còn gọi là Tri Tôn, là một trong bảy ngọn núi của vùng Thất Sơn. Không chỉ nổi tiếng với cảnh quan tuyệt đẹp, Tà Pạ còn thu hút du khách bởi sự cổ kính và uy nghiêm của ngôi chùa Tà Pạ trên núi. Chùa Tà Pạ còn được gọi là chùa Núi, hoặc chùa Chưn-Num. Ngôi chùa Khmer sở hữu vị trí độc đáo, lấp ló sau những cánh đồng lúa với kiến trúc vô cùng nổi bật giữa rừng núi hoang sơ.
Trên đường đến chùa, bạn sẽ đi ngang hồ Tà Pạ, nơi được ví như “tuyệt tình cốc” của miền Tây. Hai bên hồ được bao quanh bởi các thành đá cao, nước xanh trong vắt đến tận đáy, tạo nên vẻ đẹp mê hoặc.
4. Hồ Soài So
-
Địa điểm: Xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang
Soài So là hồ nước nhân tạo lớn nhất An Giang, nổi tiếng với vẻ đẹp mênh mang, tĩnh lặng, là điểm đến lý tưởng cho #teamKlook đang tìm một nơi bình yên, sâu lắng. Hồ Soài So nép mình bên sườn núi Cô Tô, điểm tô bởi đồng lúa và những hàng thốt nốt cao vút, tạo thành bức tranh thiên nhiên Tri Tôn hữu tình.
5. Hồ Ô Thum
-
Địa điểm: xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang
Cùng với Tà Pạ, Soài So, Soài Check, Ô Thum được biết đến là một trong những hồ nước đẹp trong vùng Tri Tôn. Vị trí tuyệt đẹp dựa vào triền núi và màu nước xanh ngắt của hồ Ô Thum đã thu hút không ít #teamKlook đến đây thả dáng “sống ảo”.
6. Hồ Latina
-
Địa điểm: Xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang
Hồ Latina còn được gọi là hồ Đá, một hồ nước nhỏ trong veo nằm dưới chân núi Cấm, nơi dễ dàng cho bạn những bức ảnh lung linh nhất. Tựa vào vách núi đá cao sừng sững, hồ Letina ngày ngày lặng yên đón bóng mặt trời, tạo nên cảnh quan vô cùng ấn tượng. Nếu đến đây vào mùa lúa vàng thì khung hình của bạn sẽ thêm màu sắc rực rỡ đó nha.
7. Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam
-
Địa điểm: Phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang
Có lịch sử từ năm 1824, Miếu Bà Chúa Xứ là địa điểm tâm linh không thể bỏ qua khi đến An Giang. Ngôi miếu linh thiêng tọa lạc dưới chân núi Sam, thu hút khách thập phương đêm tham quan, cúng viếng. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam diễn ra trọng thể từ 23 đến 27 tháng 4 âm lịch hàng năm, thu hút hàng ngàn Phật Tử và du khách thập phương ghé thăm.
8. Chùa Long Sơn Núi Sam
-
Địa chỉ: Phường Vĩnh Phước, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang
Nếu bạn đã ghé miếu Bà Chúa Xứ núi Sam thì hãy dành thời gian tham quan chùa Long Sơn nằm gần đó, nổi bật với vẻ cổ kính, trầm mặc. Khung cảnh núi Sam nhìn từ chùa Long Sơn được #teamKlook đánh giá là đẹp miễn chê, nhất là lúc hoàng hôn. Thỉnh thoảng, tiếng chuông chùa vọng ngân từ trên cao sẽ khiến bạn thấy lắng đọng, bình yên lắm đó.
9. Chùa Huỳnh Đạo
-
Địa chỉ: Đường Tân Lộ Kiều Lương, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang
Cách miếu Bà Chúa Xứ núi Sam khoảng 1km chính là ngôi chùa rồng Huỳnh Đạo nổi tiếng của An Giang. Ngôi chùa được xây dựng theo kiến trúc chùa Trung Quốc vào năm 1996, với điểm nhấn là tượng chín con rồng tượng trưng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long nổi bật giữa hồ sen.
Bên cạnh đó, các bức tượng Phật uy nghi hài hòa với cảnh quan thiên nhiên trong khuôn viên rộng lớn, giúp cho chùa Huỳnh Đạo có một sức hút lớn với du khách và Phật tử.
10. Chùa Vạn Linh Núi Cấm
-
Địa chỉ: Xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang
Vồ Bồ Hong là vồ cao nhất núi Cấm, nơi tọa lạc ngôi chùa Vạn Linh uy nghi hướng ra hồ Thủy Liêm, tạo thành vị trí tựa sơn hướng thủy đắc địa, kết hợp với chùa Phật Lớn ở đỉnh đồi bên kia, tạo nên sự hài hòa giữa kiến trúc tôn giáo và cảnh sắc tự nhiên.
Để vãn cảnh chùa, bạn có thể sử dụng cáp treo để tận hưởng không khí mát mẻ và ngắm nhìn vẻ đẹp tựa thiên đường của núi Cấm.
11. Chùa Koh Kas
-
Địa chỉ: Xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang
Nếu phải chọn một nơi để tôn vinh văn hóa Khmer ở vùng đất Tây Nam Bộ thì hãy đến chùa Koh Kas, hay còn gọi là chùa Tual Prasat ở An Giang nhé.
Ngôi chùa có thiết kế đặc biệt với phần cổng cách chùa bằng con đường làng quanh co khoảng 500m, hai bên là đồng lúa tuyệt đẹp. Cổng chùa gây ấn tượng mạnh mẽ với kiến trúc Khmer cổ nổi bật giữa nền trời xanh. Chính vì vậy, người dân còn gọi là cổng Trời An Giang, cổng Thiên Đàng, hay cổng Thời Gian.
12. Chùa Lầu (Chùa Phước Lâm)
-
Địa chỉ: Khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang
Chùa Lầu, hay còn gọi là chùa Phước Lâm, là một ngôi chùa đã có lịch sử hơn 130 năm, mới đây được xây lại với thiết kế 3 tầng lầu xếp chồng lên nhau rất ấn tượng, được cho là ảnh hưởng từ kiến trúc chùa Nhật Bản.
Chùa Lầu rất được lòng hội mê “sống ảo” bởi màu đỏ nổi bật và khuôn viên ngập tràn cỏ cây, hoa lá. Ngoài ra, chiếc cầu treo được bắc vào những cây thốt nốt quanh khuôn viên chùa cũng là điểm check-in yêu thích của nhiều bạn trẻ.
13. Chùa Kim Tiên
-
Địa chỉ: Xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang
Chùa Kim Tiên được đánh giá là ngôi chùa bề thế, nguy nga bậc nhất vùng Bảy Núi. Điểm nhấn của chùa Kim Tiên là bức tượng Phật A Di Đà cao 24m ngự trên nóc chùa. Rất nhiều bạn trẻ ví cảnh quan chùa Kim Tiên đẹp tựa phim trường cổ trang nên thường rủ nhau đến đây “sống ảo”. Chùa có đãi cơm chay và phát nước cho người dân sau khi tham quan.
14. Chùa Phước Thành
-
Địa chỉ: Xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang
Chùa Phước Thành còn có tên là chùa Chim, một ngôi chùa được ghi nhận kỷ lục Việt Nam với công trình quần thể tượng Phật lớn nhất Việt Nam, đặc biệt là bức tượng Phật A Di Đà cao 39m vươn lên trời xanh. Ngôi cổ tự này được khai sơn từ năm 1872, và sau lần đại trùng tu gần đây, chùa Phước Thành đã khoác lên mình kiến trúc mới rực rỡ, sáng ngời giữa vùng cù lao Giêng xanh mát.
15. Chùa Tây An
-
Địa chỉ: Đường Vòng Núi Sam, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang
Nếu bạn đã được giới thiệu những ngôi chùa ở An Giang có kiến trúc Nhật Bản, Trung Hoa, hay Khmer thì đừng ngạc nhiên khi ở đây xuất hiện cả công trình mang dáng dấp kiến trúc Ấn Độ: chùa Tây An, hay còn gọi là Tây An cổ tự, có lịch sử từ năm 1847.
Ngôi chùa này đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, cũng là ngôi chùa đầu tiên kết hợp kiến trúc Việt – Ấn ở Việt Nam. Chùa Tây An có màu sắc rực rỡ nổi bật trên nền núi Sam xanh thẫm đằng sau. Điểm ấn tượng của chùa Tây An là ba ngôi lầu cổ có nóc củ hành, cùng với đó là các ngôi mộ tháp tinh xảo, đẹp mắt.
16. Thiền Viện Trúc Lâm An Giang
-
Địa chỉ: Ấp Đông Sơn 1, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang
Thiền viện Trúc Lâm An Giang là công trình khá mới nhưng đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của du khách cũng như dân địa phương đến đây tham quan, vãn cảnh. Không chỉ là một công trình tâm linh, thiền viện Trúc Lâm An Giang còn sở hữu cảnh quan đẹp tựa tiên cảnh, với bốn bề non nước, mây trời. Cũng vì thế mà thiền viện được ví như vịnh Hạ Long ở vùng Thất Sơn.
17. Thánh Đường Masjid Al-Ehsan
-
Địa chỉ: Ấp Hà Bao 2, xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang
Thánh đường Masjid Al-Ehsan tọa lạc tại làng Chăm Đa Phước, nên trước khi ghé vào thánh đường, bạn sẽ có cơ hội đi ngang ngôi làng người Chăm mà đa phần họ theo đạo Hồi. Vì thế, phụ nữ ở đây sẽ mặc áo abaja và quấn khăn hijab, còn đàn ông thì mặc xà rông và đội mũ vuông.
Thánh đường Masjid Al-Ehsan là một trong những thánh đường Hồi giáo ở An Giang, sở hữu khuôn viên rộng lớn, với kiến trúc mái củ hành cùng hình ảnh ngôi sao và trăng khuyết, biểu tượng của Hồi giáo. Các thánh đường Hồi giáo ở An Giang thường có sắc trắng kết hợp với đường viền xanh, chắc chắn sẽ làm phông nền “sống ảo” cực chất cho #teamKlook mê lia máy nè.
18. Làng Dệt Thổ Cẩm
-
Địa chỉ: Ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang
An Giang có riêng một ngôi làng văn hóa Chăm, cũng là làng nghề dệt thổ cẩm còn phát triển đến ngày nay có tên là làng dệt Châu Giang. Nơi đây nổi tiếng với các sản phẩm dệt thủ công tinh xảo như: xà rông, áo, khăn choàng, mũ, túi xách, v.v. Bạn có thể tham quan và mua vài món đồ về làm quà sau chuyến du lịch An Giang nè.
19. Nhà Mồ Ba Chúc
-
Địa chỉ: Đường Ngô Tự Lợi, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang
Nhà mồ Ba Chúc là di tích lịch sử quốc gia, nơi lưu giữ hộp sọ và xương cốt của những bạn nhân Ba Chúc bị thiệt mạng trong vụ thảm sát Khmer Đỏ vào năm 1978 và nhiều nhiều chứng tích chiến tranh. Hàng năm, lễ giỗ tập thể được tổ chức vào ngày 16 tháng 3 âm lịch, thu hút hàng nghìn du khách, tín đồ tôn giáo và thân nhân của các nạn nhân đến cúng viếng, cầu nguyện.
20. Chợ Nổi Long Xuyên
-
Địa chỉ: Đường Phan Huy Chú, phường Mỹ Long, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang
Chợ nổi là một hình thức chợ trên sông đặc trưng của miền Tây. Chợ nổi Long Xuyên đã hình thành từ xưa và vẫn giữ nguyên nếp sinh hoạt đến ngày nay, đơn sơ và bình dị. Đến chợ nổi Long Xuyên, bạn sẽ có dịp thưởng thức những món ăn dân dã và ngắm bình minh trên sông Hậu hiền hòa. #teamKlook nhớ ghé chợ vào khoảng 5 giờ sáng để chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt đẹp nhé.
21. Chợ Tịnh Biên
-
Địa chỉ: Xuân Biên, Thị xã Tịnh Biên, An Giang
Đến An Giang mà bỏ qua khu chợ Tịnh Biên – nơi hội tụ tinh hoa văn hóa ẩm thực miền Tây đặc sắc nhưng cũng không kém phần độc đáo thì quả thật đáng tiếc. Đến đây, bạn sẽ không khó bắt gặp các món ăn cực kì độc lạ, thậm chí hơi “rợn người” như tắc kè, bò cạp, rắn mối,… Có #teamKlook nào can đảm muốn thử không nào?
22. Cù Lao Ông Chưởng
-
Địa chỉ: Chợ Mới, An Giang
Chắc hẳn #teamKlook nào là người con miền sông nước Tây Nam Bộ đặc biệt vùng đất bảy núi An Giang cũng từng một lần nghe câu ca dao “Ba phen quạ nói với diều – Cù Lao Ông Chưởng có nhiều tôm cá” rồi đúng không nhỉ? Đúng vậy, Cù Lao Ông Chưởng được mẹ thiên nhiên ưu ái với nguồn tài nguyên dồi dào từ tôm và cá và cũng là một địa điểm rất đáng đến để trải nghiệm tại An Giang. Dọc theo bờ sông Tiền, các bạn sẽ có dịp được ghé thăm các làng nghề truyền thống như nghề mộc chợ Thủ – Là nơi chạm khắc điêu luyện và tinh xảo nhất vùng Tây Nam Bộ.
Các Khu Du Lịch An Giang Nổi Tiếng Đừng Bỏ Lỡ
Ngoài các vườn trái cây trĩu quả, rừng ngập mặn hoang sơ, hay những ngôi chùa kiến trúc đa dạng, An Giang còn có các khu du lịch cho bạn và cả gia đình đến vui chơi, nghỉ ngơi, tha hồ “chụp choẹt”. Bạn có muốn khám phá những khu du lịch An Giang đó không? Bắt đầu thôi nào!
23. Khu Du Lịch Núi Cấm An Giang
-
Địa chỉ: Xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang
Khu du lịch Núi Cấm có tên đầy đủ là Khu du lịch Lâm Viên Núi Cấm, nằm trong vùng Thất Sơn hùng vĩ. Khu du lịch nổi tiếng này kết hợp các dịch vụ nghỉ dưỡng, tâm linh, và vui chơi giải trí, đặc biệt là tuyến cáp treo hiện đại nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Nếu có dịp đến với An Giang, bạn sẽ ngỡ ngàng trước khung cảnh thiên nhiên và khí hậu trong lành ở đây, mà trong đó, núi Cấm là một trong những nơi hứa hẹn đem lại những trải nghiệm tuyệt vời nhất.
24. Khu Du Lịch Núi Sập An Giang
-
Địa chỉ: Thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang
Khu du lịch Núi Sập là tên gọi chung của cụm địa điểm tham quan hồ Ông Thoại và đền thờ Thoại Ngọc Hầu, tạo nên khu du lịch sinh thái hấp dẫn ở An Giang. Không chỉ có những công trình nhân tạo hài hòa với thiên nhiên yên bình, khu du lịch Núi Sập còn mang nhiều dấu ấn của thời mở cõi xa xưa. Những trải nghiệm khám phá núi non, bơi xuồng, đạp vịt, hay lướt trên xe lửa cao tốc sẽ khiến cho chuyến đi Núi Sập càng thêm thú vị.
25. Khu Du Lịch Núi Cô Tô An Giang
-
Địa chỉ: Thị trấn Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang
Nếu bạn nghĩ chỉ có đi Đà Lạt hay Sapa mới săn được mây thì đó là chưa ghé đến khu du lịch núi Cô Tô rồi. Từ một trong những đỉnh núi cao nhất An Giang, bạn sẽ choáng ngợp trước lượng mây dày đặc, bao phủ trắng xóa, che lấp cả huyện Tri Tôn.
Bên cạnh việc chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên thanh bình tại núi Cô Tô, bạn còn có cơ hội tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt của người Khmer và được tham quan các công trường khai thác đá.
26. Khu Du Lịch Núi Két An Giang
-
Địa chỉ: Xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang
Núi Két là một trong những ngọn núi đặc biệt nằm trong vùng Thất Sơn, với mỏm đá trên cao có hình mỏ chim két. Cũng như những ngọn núi khác trong vùng, núi Két chinh phục du khách bởi quang cảnh thiên nhiên rộng lớn, núi non chập chùng bên cạnh nhiều hang động sâu rộng gắn liền với những câu chuyện huyền bí. Khu du lịch Núi Két còn là điểm đến tâm linh cho những ai đang tìm nơi chiêm bái, thờ tự như: đình Thới Sơn, chùa Thới Sơn.
27. Khu Du Lịch Núi Sam An Giang
-
Địa chỉ: Phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang
Nếu bạn muốn một chuyến du lịch tâm linh đích thực, kết hợp nghỉ dưỡng, thì một chuyến đi đến khu du lịch núi Sam chắc chắn làm bạn hài lòng. Có đến 200 đền, chùa, am, miếu tọa lạc rải rác từ chân núi, sườn núi, mãi đến tận đỉnh núi, tiêu biểu là: miếu Bà Chúa Xứ, chùa Tây An, chùa Phước Điền, lăng Thoại Ngọc Hầu, v.v. Từ trên đỉnh núi Sam, bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Châu Đốc, các vùng đồng bằng trung du, kênh Vĩnh Tế lớn nhất miền Tây, và tận hưởng bầu không khí trong lành, yên tĩnh.
Vé Cáp Treo Khu Du Lịch Núi Sam Châu Đốc
Xác nhận tức thời
Từ ₫ 75,000
28. Khu Du Lịch Đồi Tức Dụp An Giang
-
Địa chỉ: Thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang
Nằm bên cạnh núi Cô Tô, đồi Tức Dụp tuy nhỏ nhưng được thiên nhiên ưu ái với cảnh quan thoáng mát, hoang sơ tuyệt mỹ. Đồi Tức Dụp sở hữu thống nhiều hang sâu, động lớn, ngõ ngách chằng chịt do các tảng đá lớn nhỏ chồng lên nhau.
Đến khu du lịch đồi Tức Dụp, bạn sẽ tham gia các môn thể thao quốc phòng, tập bắn bia bằng đạn thật, tham quan khu vườn thú, đặc biệt là loài đà điểu châu Phi. Ngoài ra, còn có một số trò chơi giải trí như: tàu lượn siêu tốc, đạp vịt, bơi thuyền mặt hồ, câu cá sấu, v.v.
29. Khu Di Chỉ Óc Eo An Giang
-
Địa chỉ: Thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang
Óc Eo là một di chỉ khảo cổ, nơi có vùng gò đất lẫn đá nổi lên trên một cánh đồng phía Nam của núi Ba Thê. Di chỉ khảo cổ văn hóa Óc Eo được phát hiện khi một nhà khảo cổ người Pháp đến vùng Óc Eo (xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn) để khai quật dấu tích một hải cảng trong lòng đất.
Khu di chỉ Óc Eo ở An Giang chính là dấu tích của vương quốc Phù Nam một thời hiện diện từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ VIII, tập trung nhiều nhất các di tích, di vật. Đây là địa điểm không thể bỏ lỡ đối với #teamKlook hứng thú với khảo cổ, lịch sử và những câu chuyện về các nền văn minh cổ đại.
Hướng Dẫn Cách Đi An Giang Từ Thành Phố Hồ Chí Minh
Thành phố Hồ Chí Minh cách tỉnh An Giang khoảng 180km. Quãng đường này rất thích hợp với #teamKlook mê phượt muốn di chuyển bằng xe máy đến An Giang.
Từ trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, bạn đi về miền Tây theo hướng quốc lộ 1A, qua địa phận các tỉnh Long An và Tiền Giang. Sau khi đến cầu Mỹ Thuận nối liền Tiền Giang và Vĩnh Long, bạn theo quốc lộ 80 đi về Đồng Tháp. Hành trình tiếp tục thêm 35km nữa là đến cầu Vàm Cống, địa phận tỉnh An Giang.
Ngoài ra, bạn có thể chọn những chuyến xe khách liên tỉnh từ Sài Gòn đi Châu Đốc, mất khoảng 6 tiếng. Nhưng không có gì tiện lợi bằng dịch vụ xe riêng của Klook, chỉ cần ngồi thư giãn ngắm cảnh trên xe là bạn đã đến nơi rồi đấy!
Kinh Nghiệm Du Lịch An Giang Tự Túc
-
An Giang có có khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình, quanh năm nhiều nắng, ít mưa bão, thời tiết khá dễ chịu.
-
Nếu bạn muốn vui chơi ở những khu du lịch hoặc leo núi, khám phá thiên nhiên, thì nên đến đây vào mùa nắng ráo từ tháng 3 đến tháng 5.
-
Mùa nước nổi tháng 9 đến tháng 11 là lúc bạn có thể ngắm những thảm bèo xanh mướt ở rừng tràm Trà Sư và thưởng thức những món ngon chỉ có vào mùa này.
-
Thời điểm tháng 12, Tà Pạ hiện ra những cánh đồng lúa chín vàng xen lẫn màu xanh của thửa lúa chín dở, lấp lánh trong cái nắng đầu đông, khiến không gian nơi đây ấm áp, hiền hòa hơn bao giờ hết.
Trả lời